Trước tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới, hơn bao giờ hết “chuyển đổi số” được nhắc đến rất nhiều lần trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Vậy chuyển đổi số là gì và có tầm quan trọng như thế nào với doanh nghiệp Việt Nam. Hãy cùng Be Smart tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Chuyển đổi số là gì?

Có rất nhiều định nghĩa về chuyển đổi số và cũng khá khó để định nghĩa chính xác chuyển số doanh nghiệp là gì, bởi vì đối với mỗi doanh nghiệp hoạt động trên một lĩnh vực sẽ có quy trình áp dụng khác nhau.

Theo Gartner: “Chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới”.

Còn Microsoft thì cho rằng: “Chuyển đổi số là một sự đổi mới kinh doanh được thúc đẩy bởi sự bùng nổ của đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT), cung cấp những cách mới để hiểu, quản lý và chuyển đổi cho các hoạt động kinh doanh của họ”.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông: “Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số”.

Theo quan điểm của FPT, chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.

Hiểu đơn giản, chuyển đổi số doanh nghiệp là việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số vào các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, từ đó tận dụng lợi thế của công nghệ để tác động thay đổi mô hình kinh doanh, cách thức vận hành doanh nghiệp nhằm mang đến giá trị tốt hơn cho doanh nghiệp, thích ứng với xu hướng phát triển công nghệ trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, chuyển đổi số trong doanh nghiệp được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud Computing)… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa doanh nghiệp.
Chuyển đổi số được hiểu đúng nghĩa sẽ là sự tác động để con người thay đổi tư duy làm việc, vận hành bộ máy, từ đó sẽ tìm cách để ứng dụng nó vào từng hoạt động cụ thể của doanh nghiệp. Không chỉ có tác động đến cách làm việc, cách quản trị doanh nghiệp mà nó còn có tác động đến văn hóa, môi trường làm việc của doanh nghiệp. Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.

Quá trình chuyển đổi số thường được chia thành ba cấp độ. Một là số hoá thông tin (digitization) nhằm tạo ra biểu diễn số của các thực thể (tức tạo ra dữ liệu đặc trưng cho các thực thể này). Hai là số hóa tổ chức (digitalization) nhằm tạo ra hoặc đổi mới mô hình hoạt động hay kinh doanh (business model) của các tổ chức hay doanh nghiệp để thích nghi với sự hiện hữu của các môi trường số hóa, tức chuyển đổi cách thức hoạt động với việc dùng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra giá trị mới lớn hơn của tổ chức. Ba là chuyển đổi (transformation) tổng thể và toàn diện tổ chức, gồm lãnh đạo, nhân viên, văn hoá, quy trình… với mô hình hoạt động mới.

2. Lợi ích của chuyển đổi số với doanh nghiệp

Không phải ngẫu nhiên mà chuyển đổi số được đánh giá là một trong những xu thế mới của thế giới hiện nay. Doanh nghiệp cần phải chuyển đổi số bởi những lợi ích do chuyển đổi số mang lại cho doanh nghiệp:

Sự tất yếu của nền kinh tế: Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, cùng với sự phát triển của cuộc CMCN 4.0 và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Dễ dàng nhận thấy sự tác động của công nghệ lên mọi mặt của đời sống con người. Cùng với đó, ảnh hưởng của dịch bệnh đã tác động đến mô hình kinh doanh truyền thống. Chúng ta đã trải qua thời kỳ các doanh nghiệp hoạt động bằng cây bút và sổ viết tay, dần qua sử dụng máy tính, mạng Internet và chuyển đổi số cũng là một quá trình chuyển đổi gần giống vậy. Đây là quá trình phát triển sẽ trở thành tất yếu của một doanh nghiệp trong sự chuyển mình của toàn thế giới.
Nâng cao hiệu quả doanh nghiệp: Nhờ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, cấp lãnh đạo có thể hoàn toàn chủ động trong việc theo dõi các báo cáo, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp, hiệu suất làm việc của nhân viên bất cứ lúc nào nhờ hệ thống theo dõi và báo cáo tự động. Nhờ đó, tất cả thông tin và số liệu về công việc đều được thể hiện rõ ràng, minh bạch, chính xác và nhanh chóng. Những số liệu này giúp ích cho lãnh đạo rất nhiều trong quá trình ra quyết định và hoạch định chiến lược quản trị.
Nâng cao năng suất làm việc: Mọi doanh nghiệp đều mong muốn tối ưu năng suất lao động của đội ngũ nhân viên. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp giúp cải thiện và nâng cao năng suất làm việc của nhân viên nhờ giảm thiểu được những công việc thủ công, tốn nhiều thời gian. Nhờ vậy, nhân sự của doanh nghiệp có thể tập trung nhiều hơn vào chuyên môn và tăng hiệu quả công việc.
Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ: Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp có thể vận hành mọi lúc, mọi nơi. Nếu như trước đây, nhân viên khó có thể làm việc tại nhà hay xử lý những việc phát sinh ngoài giờ do không có tài liệu, máy móc tại chỗ. Vậy giờ đây, chúng ta đã có thể làm việc tại nhà với chỉ một chiếc máy tính hoặc điện thoại, nhờ đó, nhân sự doanh nghiệp có thể làm việc mọi lúc, mọi nơi.
Việc tăng năng suất lao động giúp doanh nghiệp có nhiều thời gian để cải tiến dịch vụ khách hàng. Việc tăng năng suất làm rút ngắn thời gian khách hàng phải chờ đợi để nhận được một sản phẩm hay dịch vụ. Vì vậy, việc áp dụng chuyển đổi số làm tăng năng suất cũng giúp doanh nghiệp cải thiện dịch vụ rõ rệt hơn.

Tăng doanh thu: Kết quả của việc giảm thiểu chi phí vận hành, tự động hóa quy trình… là sẽ tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Chưa kể, khi các dịch vụ của doanh nghiệp trở nên linh hoạt, thuận tiện hơn cho khách hàng thì sẽ thu hút càng nhiều khách hàng biết đến và sử dụng.

3. Thực trạng chuyển đổi số của các doanh nghiệp

Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án hỗ trợ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025; ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia số, trong đó chuyển đổi số cho doanh nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tự tạo ra sức bật phát triển, với cốt lõi là việc số hóa doanh nghiệp trên mọi phương diện.

Tính đến nay, chuyển đổi số đã trở thành khái niệm quen thuộc đối với nhiều doanh nghiệp. Nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chuyển đổi số là nhu cầu, là giải pháp sinh tồn để duy trì và phát triển.

Theo nghiên cứu của Microsoft thực hiện tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trước và sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, 74% lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, đổi mới là bắt buộc và đóng vai trò quan trọng với khả năng chống chịu của doanh nghiệp. Có tới 98% các doanh nghiệp tiên phong trong quá trình đổi mới đều tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng đáp ứng thách thức và cơ hội của thị trường; 56% CEO của các doanh nghiệp lớn khẳng định rằng chuyển đổi số giúp tăng doanh thu. Nhìn chung, các công ty tiến hành chuyển đổi số thành công có lợi nhuận cao hơn 23% so với các công ty vận hành theo mô thức truyền thống.
Với đối tượng là những doanh nghiệp có quy mô lớn, đối tượng khách hàng đa dạng thì chuyển đổi số được thể hiện thông qua nhiều yếu tố. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống quản lý khách hàng thống nhất qua các ứng dụng mobile. Qua đó, giúp khách hàng tích hợp và quản lý thông tin khi sử dụng nhiều dịch vụ khác nhau như thanh toán các hóa đơn gia đình, tiền điện, mua sắm hay các dịch vụ nghỉ dưỡng…

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa nhận thức đúng vai trò chuyển đổi số trong cuộc CMCN 4.0, cụ thể, theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, có 80% đến 90% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980 – 1990. Vì vậy, đổi mới là vấn đề sống còn đối với các doanh nghiệp này.
Trong tháng 4/2020, Cisco công bố báo cáo “Chỉ số phát triển kỹ thuật số của doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, thực hiện trên 1.340 doanh nghiệp tại khu vực nói chung và 50 doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%)…
Dù vậy, báo cáo cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang bước đầu đầu tư vào công nghệ Cloud Computing (18%), an ninh mạng (12,7%), nâng cấp phần mềm, phần cứng để chuyển đổi số (10,7%). Hiện nay, ở Việt Nam chuyển đổi số đã diễn ra hầu hết các loại hình doanh nghiệp và ở nhiều mức độ khác nhau. quá trình chuyển đổi số đã bắt đầu diễn ra, nhất là trong những ngành như tài chính, giao thông, du lịch…

Kết luận

Với tinh thần đổi mới của các doanh nghiệp hiện nay thì việc số hóa toàn diện là giải pháp không thể thiếu cho doanh nghiệp, đặc biệt là với chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ trong những năm gần đây, các doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị về tinh thần và tài chính, tạo nền móng vững chắc cho quá trình chuyển đổi số trong tương lai. 

Nguồn: Sưu tầm